Monday, May 16, 2011

Tỉ lệ chọi ĐH 2011: cập nhật ngày 16/05/2011


(Tuyển sinh đại học) – Chúng tôi xin tổng hợp danh sách các trường đại học đã công khai tỉ lệ chọi 2011.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 72.000 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển 8.700 và tỷ lệ “chọi” là 1/8.
Học viện Tài chính, với 16.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 3.080, tỷ lệ “chọi” vào trường sẽ là 1/5,4.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có khoảng 18.965 hồ sơ, 3.000 chỉ tiêu. Tỷ lệ “chọi” vào trường sẽ là 1/6,3.

Trường ĐH Giao thông Vận tải có 18.000 hồ sơ, chỉ tiêu vào trường là 4.000, tỷ lệ “chọi” vào trường sẽ là 1/4,5.

Trường ĐH Xây dựng, với 18.500 tổng hồ sơ,  2.815 chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” vào trường sẽ là 1/6,6.

Học viện Báo chí Tuyên truyền có 8.500 hồ sơ, chỉ tiêu là 1.450, tỷ lệ “chọi” vào trường khoảng 1/5,6.

Trường ĐH Dược có 2.500 hồ sơ, chỉ tiêu 550, vậy tỷ lệ “chọi” là 1/4,5.
Trường ĐH Thủy lợi có 15.500 hồ sơ, chỉ tiêu 2.600, tỷ lệ “chọi” của trường này là 1/6.
Trường ĐH Văn hóa có 5.000 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển là 1.100,  tỷ lệ “chọi” là 1/4,5.

Học viện Ngoại giao có 3.000 hồ sơ ĐKDT, chỉ tiêu là 450, tỷ lệ “chọi” là 1/7.

Trường ĐH Hà Nội có 9.663 hồ sơ, 1.700 chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” vào trường khoảng 1/5,6.
Trường ĐH Y Hà Nội có 15.931 hồ sơ, 1.000 chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” vào trường năm nay khoảng 1/16.
Trường ĐH Thương mại có 39.000 hồ sơ, 3.400 chỉ tiêu, tỷ lệ “chọi” ở vào trường khoảng 1/11.

Trường ĐH Luật có 11.570 hồ sơ, chỉ tiêu 1.800, tỷ lệ “chọi” vào trường năm nay khoảng 1/6,9.

Viện ĐH Mở Hà Nội có 25.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 3.000, tỷ lệ “chọi” vào trường sẽ là 1/8,3.

Trường ĐH Lâm nghiệp có 13.000 hồ sơ, chỉ tiêu tuyển sinh là 1.600, tỷ lệ “chọi” vào trường là 1/8,1.
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với 51.000 hồ sơ, chỉ tiêu 5.000, tỷ lệ “chọi” là 1/10.

Học viện Ngân hàng với 14.000 hồ sơ, chỉ tiêu 2300, tỷ lệ chọi 1/6

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 16.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 5.800, tỷ lệ “chọi” 1/2,7
Trường ĐH Mỏ – Địa chất với 16.000 hồ sơ, tỷ lệ “chọi” là 1/4,5.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 17.000 hồ sơ ĐKDT, chỉ tiêu là 2.700, tỉ lệ chọi là 1/62.

ĐH Thái Nguyên với 64.000 hồ sơ, chỉ tiêu là là 9.700, tỷ lệ “chọi” của trường sẽ là 1/6.6.

Tuesday, April 19, 2011

Phương pháp luyện thi môn tiếng Anh cho kỳ thi PTTH


Rất nhiều bạn quan tâm đến cách luyện thi môn tiếng Anh hiệu quả để chuẩn bị cho kỳ thi PTTH và tuyển sinh đại học 2011. Theo nhận định của Cô Nghiêm Thu Huyền, giáo viên Anh văn Trường THPT Đào Duy Từ thì tiếng Anh là một môn thi rất dễ “kiếm” điểm cao mà cũng là môn thi rất dễ mất điểm. Cô giáo chuyên Anh này cũng đưa ra hai phương pháp học tiếng Anh giúp học sinh đạt điểm cao trong thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Không nên vừa học tiếng Anh vừa nghe nhạc
Bám sát sách giáo khoa và cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT (có trong quyển “Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT”).
luyen thi tieng Anh dai hoc ptth
Cách ôn luyện môn Anh hiệu quả
Lên kế hoạch cụ thể ôn ngữ pháp, các cấu trúc, từ mới, ví dụ như sau:
Ngữ pháp: định rõ lượng thời gian ôn và làm bài tập cho từng phần ngữ pháp, ví dụ: 2 ngày - ôn lại thời của động từ + làm bài tập; 2 ngày - ôn câu bị động + bài tập; 1 ngày - ôn câu điều kiện + bài tập…
Cấu trúc, từ mới: nên chú ý ôn nhiều ở sách lớp 12, mỗi ngày học ít nhất 10 cấu trúc + từ mới, phải viết lại mỗi cấu trúc, từ mới ít nhất 3 lần, đặt câu với mỗi cấu trúc hoặc từ mới đó. (Mách nhỏ: nên dành khoảng 20 phút sau khi ngủ dậy buổi sáng để học thuộc và ôn lại 15 phút trước khi đi ngủ, đảm bảo có hiệu quả!). Khi học từ mới, phải chắc chắn mình phát âm đúng bằng cách nghe thầy cô đọc trên lớp đọc rồi đọc theo, phiên âm hoặc tra lại từ điển nếu cần ( vì trong bài thi có phần “chọn từ có phần gạch chân phát âm khác với các từ còn lại trong mỗi nhóm”). Tạo ấn tượng với những quy tắc khó nhớ, ví dụ1: đuôi “ed” có 3 cách phát âm là /id/, /t/ và /d/, ta làm như sau: những đông từ có kết thúc là “đếm tiền” - tức là “d” và “t” thì phát âm là /id/ như “wanted”, “´needed”…; những từ có kết thúc là “phòng không sẵn ghế cho xe SH” - tức là “p, k, ss, gh, ch, x, sh” thì phát âm là /t/ như “ watched”, “ laughed”…, phátâm là /d/ với các từ còn lại. Ví dụ 2: mạo từ “an” đứng trước những danh từ đếm được số ít bắt đầu bằng ”uể oải hát không thành lời” - tức là “ u, e, o, a, i và h câm” như “an orange”, “ an hour”…
Làm các bài tập lớn có cấu trúc giống bài thi tốt nghiệp trong khoảng thời gian 50 phút, sau đó kiểm tra đáp án và đánh dấu vào những câu sai để ôn lại cấu trúc và ngữ pháp đó.
Trên lớp, các em chú ý lắng nghe thầy cô chữa bài, phân tích câu để rút ra kỹ năng làm bài. (Rất quan trọng đấy!)
Không nên vừa học tiếng Anh vừa nghe âm nhạc, dù là các bài hát bằng tiếng Anh.
Nên nghỉ thư giãn từ 15 phút đến 30 phút giữa các môn ôn thi.
Làm bài thi: Chú ý các câu hỏi có từ “EXCEPT” hoặc “NOT”
Làm bài thi với tinh thần bình tĩnh, tự tin
Đảm bảo hiểu rõ yêu cầu đầu bài. Đọc lướt bài thi từ đầu đến cuối một lượt, câu nào đã chắc kiến thức thì làm luôn, đồng thời đánh dấu để không mất thời gian đọc lại. Chú ý các câu hỏi có từ “EXCEPT” hoặc “NOT” .Dành ít nhất 7 phút xem lại bài, kiểm tra để chắc chắn không bỏ sót câu nào.
Chúc các em ôn tốt, thi tốt!
Nghiêm Thu Huyền
Giáo viên môn Anh văn, Trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội

Friday, April 15, 2011

Muốn làm ca sĩ, nên học ngành gì?

Trở thành ca sĩ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Trang tin Tuyển sinh đại học 2011 này sẽ giúp bạn tìm được thông tin hữu ích về nghề này.

Các trường đào tạo
Nhạc Viện TP.HCM, Nhạc viện Hà Nội, Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật, Đại Học Văn Hóa Nghệ Thuật Quân Đội là những trường có chuyên môn đào tạo về thanh nhạc.
Nhạc Viện đào tạo bốn năm trung cấp và 4 năm Đại Học. Học xong 4 năm Trung cấp sẽ được cấp bằng và nếu có điều kiện thì bạn có thể thi lên Đại Học để tiếp tục học. Để vào học ngành thanh nhạc, bạn sẽ thi các môn là Hát, Ký Xướng Âm và Thẩm âm tiết tấu.

Hình thức dự thi
1. Thi vấn đáp: Trả lời các câu hỏi kiến thức tổng hợp về: Nhạc lý cơ bản, Hòa âm (chuyển điệu cấp I), Lịch sử âm nhạc, Hình thức âm nhạc.

2. Thi thực hành:
- Xướng âm đơn điệu có chuyển điệu cấp I.
- Nghe hoà âm có chuyển điệu cấp I.
- Hát 1 bài dân ca VN.
- Hát 1 ca khúc (VN nhạc nước ngoài).
- Hát 1 Aria (trích trong các Ca kịch cổ điển Thế giới hoặc VN).

Bí quyết của là các bạn nên chọn hai bài có phong cách khác nhau thì sẽ dễ ghi điểm với giám khảo hơn. Môn Kí xướng âm có đề bài luôn xoay xung quanh C và Am nên các bạn cần ôn tập thật kỹ
Học luyện thi hiệu quả.

- Nếu có điều kiện, các bạn nên đi học ôn, luyện thi trước để biết được năng lực của mình và trau dồi kiến thức! Địa điểm là tại nhà các thầy cô dạy thanh nhạc có uy tín hoặc đăng kí ngay tại trường.
- Một tháng gần ngày thi nên giữ giọng thật tốt, không nên quá sức tập luyện, cũng tránh các món nóng, nước đá, bia rượu, chất có cồn, phải giữ cổ họng luôn khỏe mạnh.
- Nên uống nước giá thường xuyên để có giọng hát trong trẻo.
Thông tin chi tiết, các bạn có thể tham khảo tại
- Nhạc viện TP.HCM: http://hocm.edu.vn/vi/GioiThieu/GioiThieu.aspx
- Nhạc viện Hà Nội: nhacvienhn@netnam.vn
A.C, Tuyen sinh VnExpress

Ngày 30/5, thí sinh nhận giấy báo dự thi ĐH, CĐ 2011

Bắt đầu từ hôm nay 15/4 đến 21/4, các trường ĐH, CĐ tổ chức thi bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh. Đây là đợt nộp hồ sơ dự thi cuối cùng của thí sinh trong mùa tuyển sinh 2011. Từ ngày 30/5 - 5/5, thí sinh nhận giấy báo dự thi.


Trong đợt cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), Bộ GD-ĐT quy định, các trường ĐH, CĐ thu hồ sơ và lệ phí tuyển sinh mã 99. Các trường ĐH, CĐ không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.

Từ ngày 5/5/2011 tại Hà Nội và từ ngày 7/5/2011 tại TPHCM, các Sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ và lệ phí tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Các Sở và các trường bàn giao lệ phí tuyển sinh cho Bộ GD-ĐT.
Trước 30/5/2011, các trường ĐH lập phòng thi, in giấy báo dự thi và gửi giấy báo dự thi cho các Sở. Gửi các trường không tổ chức thi dữ liệu ĐKDT của thí sinh có nguyện vọng học (NV1) học tại các trường này.
Từ 30/5/2011 đến 5/6/2011, các Sở gửi giấy báo dự thi cho thí sinh.

Theo phản ánh của các điểm thu nhận hồ sơ ĐKDT tại các địa phương, thí sinh khi làm hồ sơ ĐKDT vẫn nhầm lẫn mục 3 trong hồ sơ ĐKDT là NV2 và nhầm lẫn giữa trường tổ chức thi và không tổ chức thi.

Để tránh sai sót, thí sinh lưu ý, mục 3 trong hồ sơ ĐKDT không dành để đăng ký nguyện vọng 2 mà dành cho các thí sinh có NV1 học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của ĐH, sau khi ghi mục 2 phải ghi thêm mục 3 này. Khi khai báo hồ sơ ĐKDT thí sinh chỉ khai báo NV1. Các NV2, 3 chỉ khai báo khi thí sinh không trúng tuyển NV1 và đã nhận được Giấy chứng nhận kết quả thi.

Thí sinh đăng ký vào một ngành của trường không tổ chức thi (khai báo mục 3), thí sinh phải nộp hồ sơ thi nhờ một trường có tổ chức thi và theo đúng khối thi. Nếu trường thí sinh muốn đăng ký học tại trường có tổ chức thi thì thí sinh phải dự thi tại trường đó (hoặc thi cụm) chứ không được thi nhờ một trường khác.
Tin tuc VnExpress

Wednesday, April 13, 2011

Bí quyết giữ gìn sức khỏe mùa thi 2011

(Tuyen sinh Dai hoc 2011) - Khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi do PGS-TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng phụ trách sẽ cung cấp và chia sẻ với thí sinh cách ăn uống, nghỉ ngơi, giữ gìn, bảo đảm sức khỏe để đạt kết quả thi tốt...

Những vấn đề như ăn thế nào để phù hợp với mùa thi, vì sao học thi hay buồn ngủ, có thuốc gì “bổ não”… được nhiều bạn học sinh đến ngày hội tư vấn tuyển sinh quan tâm nhất.

* Bạn Nguyễn Thị Thanh, học sinh Trường THPT Minh Phú băn khoăn vì mình quá gầy, cao 1,65m nhưng nặng chỉ 50 kg, học thi thấy mệt mỏi.

- PGS Lê Bạch Mai hướng dẫn với chiều cao của bạn, trọng lượng cần đạt tới 54kg mới đủ chuẩn. Bình thường ăn 3 bữa/ngày thì mùa thi, nên chia nhỏ số bữa ăn lên 4-5 bữa/lần, nhằm đảm bảo luôn luôn có đường máu cung cấp cho não, giúp tăng khả năng tập trung. Các bạn thí sinh cũng cần ăn bổ sung thực phẩm từ động vật, nhằm bổ sung sắt, giúp không bị thiếu máu và tăng cường cung cấp oxi cho não. Ngoài ra, cần tăng cường rau xanh, quả chín, các bạn gái có thể uống thêm viên sắt và acid folic tần suất 1 viên/tuần.

* Bạn Bùi Duy Nhất, sinh viên năm 2 ĐH Bách Khoa Hà Nội, mặc dù không phải là “đối tượng” chính của ngày hội tuyến sinh, nhưng cũng gặp vấn đề mà thí sinh đang gặp là buồn ngủ khi học thi. Bạn Nhất băn khoăn uống trà, cà phê có thể giúp tính táo để học thi hay không?

- PGS Lê Bạch Mai cho rằng tỉnh táo nhờ chất kích thích như trà, cà phê là chỉ là tạm thời, nhưng về lâu dài sẽ làm cơ thể mệt mỏi, mất tập trung khi học bài. Mỗi ngày các thí sinh cần ngủ ít nhất 6g, nếu quá thiếu thời gian, có thể chia làm 2 ở giấc ngủ trưa và tối, giúp não được nghỉ ngơi. Giấc ngủ trưa có thể chỉ cần 30 phút, nhưng có thể giúp não khỏe hơn nhiều. Nếu không được ngủ đủ thời gian, não sẽ mệt và bạn sẽ lơ mơ suốt ngày.

Có thí sinh sợ vì quá gầy, nhưng có thí sinh lại quá béo. Một nam học sinh cao 1m74, nhưng nặng tới 80kg. Theo TS Mai, thí sinh này đã béo phì, kèm theo các biểu hiện như mệt mỏi, không học được. Thí sinh đã tự giải quyết bằng cách uống trà, cà phê, giúp có cảm giác hưng phấn nhưng không tập trung được.

TS Mai khuyến cáo thí sinh nên ăn chế độ không để tăng cân tiếp, thi xong phải giảm cân. Những thực phẩm chế biến sẵn, năng lượng cao cần giảm bớt, bên cạnh đó tăng các thực phẩm giàu đạm nhưng không dính mỡ, ăn trái cây có múi không ngọt. Trà, phê giúp thần kinh hưng phấn nhưng kích thích làm tim đập mạnh hơn, dễ mệt. Nên chia nhỏ bữa ăn, tuyệt đối không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng.

Để chống lại cơn buồn ngủ, có thể đứng lên vận động nhẹ, tăng cường lưu thông, hoặc ra khỏi phòng hít thở không khí trong lành, chớp mắt liên tục 15-15 lần. Nếu thấy đói có thể ăn nhẹ chút gì đó hoặc thay đổi cảm giác bằng cách nói chuyện với người nào đó để đỡ đơn điệu. Nếu thiếu ngủ, có thể chợp mắt 15-20 phút, để đồng hồ báo thức nếu không có thể ngủ cả tiếng.

* Bạn Nghiêm Minh Hòa, THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết bạn ngủ đủ, nhưng vẫn buồn ngủ, phải làm sao? Mùa thi này, bạn Hòa ngủ khoảng 5g/ngày, trong đó bao gồm cả thời gian ngủ trưa. Nhưng học thêm nhiều, thời gian học bài chỉ còn lại buổi tối, mà tối thì bạn đã rất mệt rồi. Cơn buồn ngủ còn xuất hiện cả đầu giờ học mỗi sáng, nhất là thời gian của tiết học đầu tiên.

- PGS Lê Bạch Mai: Thời gian ngủ mỗi ngày của Hòa đã là gần đủ, không quá ít. Tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ mỗi sáng có thể là do tiết học chưa lôi cuốn, cũng có thể là do bạn chưa đủ quyết tâm. Phải xác định rằng nếu mình không vượt qua kỳ thi này, mình sẽ không đạt được ước mơ.

Một vướng mắc mà nhiều bạn thí sinh cùng gặp là căng thằng khi vào phòng khi, khiến các bạn quên những gì đã học, giống như Hòa. Các bạn nên giảm căng thẳng và coi kỳ thi như một công việc bình thường, chứ đừng tự gây sức ép quá có thể khiến những kiến thức đã học tự nhầm lẫn, tráo đổi lẫn nhau.

Vào phòng thi, thí sinh có thể dành một vài phút bình tĩnh để hệ thống lại chi tiết câu hỏi trong đề bài, hướng làm bài... Tuy nhiên, cũng không nên coi việc đi thi là quá bình thường, ngồi chơi chán mới bắt tay vào làm bài, vì có thể không đủ thời gian hoàn tất bài thi.

* Một nhóm học sinh THPT Việt Đức, Hà Nội: Chúng cháu gặp rắc rối là rất buồn ngủ, nhưng đi ngủ thì phải nằm nửa tiếng mới ngủ được. Trong khi đi học, nghe thầy giáo nói 15 phút là đã ngủ gật rồi.

- PGS Lê Bạch Mai: Có 2 cách giải quyết cho tình trạng này. Một là các cháu nên đi ngủ, khi cảm thấy buồn ngủ. Tất nhiên là kèm điều kiện đang ở nhà, còn ở lớp thì không tùy tiện như vậy được đâu nhé.

Thứ 2, khi lên giường đi ngủ, các cháu nên thư giãn để có thể chợp mắt, không nghĩ về những điều đang gây áp lực, như áp lực phải học bài chẳng hạn. Một số bệnh cũng liên quan đến rối loạn giấc ngủ, như bệnh cường tuyến giáp. Trường hợp các cháu nhận thấy vùng cổ phồng to hơn bình thường, có thể đi khám tại bệnh viện nội tiết để xem có liên quan căn bệnh này không.

* Một nhóm học sinh THPT Chương Mỹ, Hà Nội: Chúng cháu muốn thi trường chúng cháu muốn, như ngành môi trường, công nghệ nano… chẳng hạn, nhưng bố mẹ cháu lại muốn cháu thi trường kinh tế, chúng cháu cảm thấy không phù hợp?

- PGS Lê Bạch Mai: Việc chọn trường nên dựa vào 2 yếu tố, niềm đam mê và năng lực thực tế của bản thân. Khi lựa chọn, các cháu cũng cần cân nhắc ở nghề nghiệp đó, mình sẽ phát triển bản thân trong nghề nghiệp đó như thế nào, chứ không phải là chọn ngành đó vì nó có vẻ oai.

Khi đã xác định được điều đó rồi, các cháu cũng có thể bàn với cha mẹ, gia đình, thể hiện mong muốn được học nghề mình thích. Các cháu đã xác định tương lai của mình, cha mẹ cũng không nên ép con, vì như thế sẽ gây sức ép lên con cái và có thể giảm hiệu quả học tập của các cháu.

* Một nữ học sinh chuyên Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội: Cháu cao 1m52, nặng 37kg, không ăn được nên rất mệt mỏi, mong bác sỹ chỉ dẫn làm sao để tăng cường sức khỏe?

- PGS Lê Bạch Mai: Với chiều cao và cân nặng như của cháu, cháu đã ở mức thiếu năng lượng trường diễn độ 2. Nhưng ngay lập tức cháu không thể bồi bổ cơ thể và tăng cân bằng cách ăn thật nhiều, do đường tiêu hóa của cháu cũng teo nhỏ như cơ thể của cháu, cần có thời gian điều trị phục hồi. Cháu nên đến Viện Dinh dưỡng hoặc các Bệnh viện có khoa dinh dưỡng để được khám, điều trị kịp thời. Với tình trạng của cháu hiện nay sẽ rất mệt mỏi trong học tập. Sau này, sức khỏe của cháu cũng khó đảm đương nổi áp lực công việc.

NHÓM PV TTO
Tuyển sinh Đại học 2011 - Điểm thi Điểm chuẩn ĐH 

Điều kiện tuyển thẳng đại học 2011

Các trường ĐH vừa công bố phương án tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2011 vào trường. Theo đó Trường ĐH Sài Gòn sẽ tuyển thẳng các đối tượng được quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng hệ chính quy của Bộ GĐ-ĐT.


Nhiều đối tượng được tuyển thẳng

Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho biết sẽ tuyển thẳng các thí sinh là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học vào đại học, cao đẳng tất cả các ngành của trường, trừ ngành Mỹ thuật công nghiệp.

Những thí sinh đã dự thi và trúng tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khỏe, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học mà không phải thi lại.

Ngoài ra, thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng nếu chưa tốt nghiệp trung học sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học. Khối ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi.

Ưu tiên xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

Trường ĐH Sài Gòn cho biết sẽ ưu tiên xét tuyển vào đại học đối tượng là thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2010 và 2011 (tốt nghiệp THPT năm 2011), sau khi thi tuyển sinh đại học theo đề chung của Bộ GD-ĐT, có kết quả thi từ điểm sàn do Bộ quy định trở lên và không có môn nào bị điểm 0, sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các ngành tương ứng của các môn thí sinh đạt giải.

Các đối tượng được ưu tiên xét tuyển vào cao đẳng là thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT năm 2010 và 2011 (tốt nghiệp THPT năm 2011), sau khi thi tuyển sinh đại học theo đề chung của Bộ GD-ĐT, có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên và không có môn nào bị điểm 0, sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các ngành tương ứng của các môn thí sinh đạt giải, khi thí sinh đăng ký xét tuyển.

Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng ưu tiên xét tuyển các thí sinh đạt giải (nhất, nhì, ba) trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học, sau khi thi tuyển sinh đại học hệ chính quy, có kết quả thi từ điểm sàn đại học, cao đẳng trở lên và không có môn nào bị điểm 0, được ưu tiên xét tuyển đại học, cao đẳng vào ngành học mà thí sinh đăng ký trong hồ sơ, không ưu tiên xét tuyển đối với những ngành có thi môn năng khiếu. Khối ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi.

Thí sinh nộp hồ sơ cho các Sở GD-ĐT trước ngày 25-6. Riêng các thí sinh nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển cùng hồ sơ đăng ký dự thi theo thời gian quy định của Sở GD-ĐT (đến ngày 14-4) hoặc nộp trực tiếp tại các trường ĐH (từ ngày 15 đến 21-4). Kết quả đăng ký tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển sẽ được gửi về các Sở GD-ĐT trước 20-8-2011.

TRẦN HUỲNH - Tuoitre.vn
Tuyển sinh Đại học 2011 - Điểm thi Điểm chuẩn ĐH 

Ôn thi tốt nghiệp: cẩn thận chọn sách, tài liệu ôn thi

Mặc dù Bộ GDĐT không phát hành bộ tài liệu chuẩn kiến thức phục vụ kỳ thi tốt nghiệp năm 2011 nhưng học sinh cuối cấp vẫn bị "ngập" trong vô số tài liệu tham khảo.

Mới đây, NXB Giáo dục đã phát hành 9 cuốn "Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011". Tờ bìa bên ngoài về màu sắc, kiểu chữ có khác năm ngoái, nhưng ruột bên trong gần như không có gì thay đổi.

Chuẩn… chung chung

Thật ra những cuốn sách này chỉ tóm tắt sơ lược nội dung kiến thức của sách giáo khoa và giới thiệu một số đề thi tốt nghiệp THPT và đáp án của những năm trước. Mỗi cuốn chưa đầy 160 trang nhưng có giá bìa là 18.000 đồng, cao gấp 3 lần sách giáo khoa.

Bộ sách "Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng lớp 12" các môn học của NXB Giáo dục lại được tái bản, hiện diện đầy trên giá các hiệu sách. Nhưng theo thầy Nguyễn Văn Thuyền - giáo viên Toán, Trường THPT số 2 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi): "Cuốn sách chuẩn kiến thức, kỹ năng môn toán lớp 12 được chia thành 2 phần: Chuẩn kiến thức - kỹ năng và hướng dẫn thực hiện chuẩn. Tuy nhiên, về nội dung chỉ là hệ thống lại chương trình đã học, để học sinh dễ nhớ, dễ bắt chước làm theo".

Em Trình Thị Phương Mai - học sinh lớp 12, Trường THPT Quốc Học (Bình Định) thì cho biết: "Tài liệu, sách ôn tập thi tốt nghiệp được bày bán rất nhiều tại các hiệu sách nhưng nội dung bên trong thì lại na ná giống nhau. Có tác giả lấy lại gần y nguyên sách tham khảo của họ đã từng in. Có tác giả tổng hợp, cóp nhặt, xào xáo từ sách giải bài tập, sách hướng dẫn dành cho giáo viên nên chẳng biết chọn cuốn nào".

Cũng ở thời điểm này, lãnh đạo các trường THPT ở nhiều địa phương phải "đau đầu" vì "nạn" người người đến xin quảng cáo, rao bán sách tham khảo, thậm chí có cả văn bản của cấp trên gửi xuống "gợi ý" mua sách, tài liệu ôn tập. Thầy Nguyễn Văn Thi ở Trường THPT Lục Ngạn 3, Bắc Giang cho biết: "Thi tốt nghiệp THPT là rất quan trọng, học sinh cần được hỗ trợ thông tin từ các loại sách, nhưng vì mưu lợi nào đó mà đưa vào nhà trường quá nhiều loại sách thì chỉ thấy làm bội thực và gây rối cho học trò hơn mà thôi".

Sách giáo khoa: An toàn nhất

Chọn cách an toàn nhất trước tình trạng "loạn" sách hướng dẫn, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) hiện đã định hướng chỉ ôn tập cho học sinh theo sách giáo khoa lớp 12. Theo PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường: "Năm nào trước các kỳ thi đều có sự ra đời tới tấp của các sách tài liệu, tham khảo, hướng dẫn… không chỉ học sinh mà ngay cả các thầy cũng bị "hoa mắt". Vì vậy trường chỉ chọn sách giáo khoa làm tài liệu duy nhất để hướng dẫn cho các em ôn tập. Lưu ý học sinh không được bỏ qua bất kỳ phần nào trong sách này".

Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) bày tỏ: "Những năm trước đây, Bộ GDĐT có hẳn văn bản cấm biên soạn và xuất bản các loại sách tham khảo tương tự nêu trên, kết quả thi tốt nghiệp những năm đó vẫn rất đạt. Chính vì vậy nhà trường vẫn định hướng học sinh lớp 12 không nên mua nhiều sách ôn thi, chỉ cần bám vào sách giáo khoa và nội dung vở ghi chép, cách hướng dẫn ôn tập của thầy cô là đủ kiến thức và kỹ năng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Năm nay, Bộ GDĐT không phát hành bộ tài liệu chuẩn kiến thức kỹ năng. Vì vậy, trong công văn hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT cũng nhắc nhở giáo viên các trường chủ động trong việc lên kế hoạch, nội dung ôn tập, biên soạn câu hỏi và bài tập phù hợp, có hướng dẫn gợi ý trả lời. Nội dung phải bám chắc chương trình sách giáo khoa theo chuẩn chung, nhấn mạnh chương trình lớp 12 và hướng dẫn học sinh vận dụng tối ưu sách bài tập vận dụng kiến thức.

Thanh Bình - Thiên Hà
09/04/2011 – danviet.vn
Tuyển sinh Đại học 2011 - Điểm thi Điểm chuẩn ĐH